Triệu chứng bệnh lậu và triệu chứng bệnh giang mai ở nam và nữ giới khác nhau như thế nào? Bệnh lậu và bệnh giang mai là những bệnh lây nhiễm chủ yếu qua con đường tình dục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì thế, việc nhận biết những triệu chứng sớm của bệnh là rất cần thiết, giúp tăng cơ hội chữa khỏi bệnh.

Triệu chứng bệnh lậu và giang mai
1. Triệu chứng bệnh lậu
Bệnh lậu do vi khuẩn Gram âm Neisseria gonorrhoeae gây ra, loại vi khuẩn này thích sống ở những nơi ẩm ướt, kín đáo như bộ phận snh dục, hậu môn, mắt, … Trung bình sau khi nhiễm lậu cầu khuẩn từ 2 – 10 ngày, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng bệnh đầu tiên. Tùy vào cơ địa, triệu chứng bệnh lậu ở nam giới và nữ giới cũng có sự khác biệt.
Triệu chứng bệnh lậu ở nam giới
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày, thường xuyên có cảm giác buồn đi tiểu, kèm theo tiểu đau, tiểu buốt, tiểu rắt, dòng nước tiểu nóng rát và yếu.
- Màu sắc nước tiểu thay đổi, có màu đục hơn bình thường, trong nước tiểu có lẫn máu và mủ.
- Niệu đạo tiết dịch mủ, lượng mủ tiết dịch ít hay nhiều tùy thuộc vào tình trạng bệnh ở mỗi người. Thông thường, mủ thường có màu vàng hoặc màu vàng xanh.
- Lỗ niệu đạo bị sưng đỏ, tiết dịch nhầy, có cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
- Sưng và đau ở tinh hoàn, cơn đau có thể lan lên trực tràng.
- Đau khi quan hệ tình dục, đau khi xuất tinh và xuất tinh ra máu.
- Cơ thể mệt mỏi, sốt cao, buồn nôn, nổi hạch bẹn.

Triệu chứng bệnh lậu ở nữ giới
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu đục và có mùi hôi, có lẫn máu.
- Tiết dịch âm đạo (khí hư) ra nhiều, có mùi hôi khó chịu.
- Mủ có màu nâu, màu xanh hoặc vàng chảy ra từ niệu đạo và cổ tử cung.
- Tiến hành kiểm tra phụ khoa sẽ thấy cổ tử cung có biểu hiện sưng phù, tấy đỏ.
- Âm đạo, âm hộ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
- Đau nhói vùng bụng dưới, đau nhức toàn bộ khu vực xương chậu, đau khi quan hệ.
- Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, sốt cao, buồn nôn.
Chuyên gia sức khỏe cho biết, một số trường hợp bị mắc bệnh lậu không xuất hiện triệu chứng, hoặc xuất hiện triệu chứng rất âm thầm, không rõ ràng nên rất khó để nhận biết.
2. Triệu chứng bệnh giang mai
Bệnh giang mai do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra, lây nhiễm chủ yếu qua con đường tình dục. Bệnh được chia thành 04 giai đoạn phát triển, ở mỗi giai đoạn lại có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau. Cụ thể:
Giai đoạn 1:
Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể từ 03 – 90 ngày, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.
Các vết loét giang mai ở giai đoạn này chủ yếu xuất hiện tại bộ phận sinh dục như quy đầu, dương vật, môi lớn, môi bé,... hoặc cũng có thể xuất hiện ở hậu môn, khoang miệng, lưỡi, … Những vết loét này được gọi là săng giang mai, có kích thước chỉ từ 0,3 – 3cm, bờ nhẵn, có màu đỏ, hình tròn hay hình bầu dục, không ngứa, không đau, không mưng mủ.
Sau 3 – 6 tuần, triệu chứng bệnh giang mai sẽ tự biến mất.

Giai đoạn 2:
Triệu chứng bệnh giang mai xuất hiện sau giai đoạn 1 từ 04 – 10 tuần.
Ở giai đoạn này sẽ xuất hiện các nốt ban đối xứng có màu hồng như hoa anh đào hoặc màu hơi tím. Không nổi cao trên bề mặt da, đồng thời cũng không gây ngứa ngáy, không bong vảy. Những nốt ban này có thể mọc ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng chủ yếu là mọc ở vùng lưng, hai bên mạn sườn và tứ chi. Các nốt ban sau đó nhạt dần và tự biến mất sau 01 – 03 tuần.
Bên cạnh đó, bệnh giang mai ở giai đoạn 2 cũng gây nên các mảng sẩn, nốt phỏng nước hay vết loét ở da và niêm mạc với nhiều kích thước khác nhau, có viền ở xung quanh và thường bị bong vảy, có thể liên kết với nhau hoặc không liên kết với nhau. Trường hợp các nốt sẩn có liên kết với nhau sẽ tạo thành từng mảng, sẩn mảng, rất dễ bị trợt da và chảy nước khi có sự cọ xát.
Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng kèm theo như: Sốt, cơ thể mệt mỏi, đau đầu, nổi hạch, đau họng. Một số trường hợp có thể kèm theo triệu chứng viêm gan, viêm thận, viêm màng xương, viêm giác mạc kẽ. Các triệu chứng này sẽ biến mất sau khoảng thời gian từ 3 – 6 tuần.

Giai đoạn tiềm ẩn:
Giai đoạn này được chia thành hai dạng: Giang mai tiềm ẩn sớm (kéo dài dưới 1 năm sau giai đoạn 2) và giang mai tiềm ẩn muộn (kéo dài hơn 1 năm sau giai đoạn 2).
Trong đó, giang mai tiềm ẩn sớm vẫn có thể tái phát các triệu chứng của bệnh và vẫn có khả năng lây truyền bệnh sang cho người khác. Đối với giang mai tiềm ẩn muộn, không xuất hiện triệu chứng của bệnh.
Giai đoạn 3:
Đây là giai đoạn cuối của bệnh, xoắn khuẩn giang mai đã khu trú trong từng tế bào của cơ thể, làm suy kiệt sức khỏe của người bệnh và gây nên rất nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng con người. Giai đoạn này thường xảy ra sau những triệu chứng của giai đoạn 1 trong khoảng thời gian dao động từ 03 – 15 năm.
Bệnh giang mai giai đoạn cuối được chia thành 03 hình thức, bao gồm: Giang mai thần kinh (6,5%), củ giang mai (15%), giang mai tim mạch (10%).
- Giang mai thần kinh: Có thể xảy ra sớm và không có triệu chứng đặc trưng, biểu hiện lâm sàng là viêm màng não. Ngoài ra, còn gây tổn thương mạch máu não, tổn thương thoái hóa ở não.
- Củ giang mai: Xảy ra sau 1 – 46 năm, tính từ thời điểm nhiễm bệnh. Củ giang mai thường xuất hiện ở vùng mặt, lưng và tứ chi.
- Giang mai tim mạch: Xảy ra sau 10 – 30 năm, tính từ thời điểm nhiễm bệnh. Giang mai tim mạch rất nguy hiểm, có thể gây phình động mạch.
Xem thêm:
>> Chi phí chữa bệnh giang mai
Trên đây là những triệu chứng bệnh lậu và giang mai mà HiBacsi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn, giúp bạn đọc nhận biết sớm những triệu chứng của bệnh để tăng cơ hội chữa khỏi bệnh nếu không may mắc phải.
